Lợi ích kép từ cây mắc-ca

Là địa phương miền núi nằm ở phía tây bắc của tỉnh Thanh Hóa, huyện Thạch Thành có điều kiện thổ nhưỡng, tiềm năng phát triển các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây mắc-ca. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam, cây mắc-ca được nhập vào Việt Nam từ năm 1994 và trồng ở nhiều nơi trên cả nước từ vùng Tây Nguyên tới Tây Bắc. Tại huyện Thạch Thành, cây mắc-ca được trồng từ năm 1996. Quá trình phát triển cho thấy, cây mắc-ca rất phù hợp với đất đai và sinh thái của vùng núi huyện Thạch Thành. Ông Nguyễn Trí Ngọc đánh giá, việc phát triển cây mắc-ca mang lại lợi ích kép, vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ đất và môi trường. Đây là loại cây trồng lâu năm có hiệu quả ở những vùng sinh thái khó khăn, gặp nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Cây mắc-ca có thể cho thu hoạch trong thời gian 80-100 năm, tạo giá trị kinh tế lâu dài cho vùng trồng. Nhất là trong bối cảnh Thanh Hóa là tỉnh nông nghiệp đang tập trung phát triển nhiều mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, cây mắc-ca có thể được phát triển để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai.

Khai thác tiềm năng phát triển cây mắc-ca
Công nhân Công ty Cổ phần Macca Nutrition Việt Nam chăm sóc cây mắc-ca tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Đối với sự phát triển của cây mắc-ca trên địa bàn huyện Thạch Thành, theo bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Thành: Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 200ha trồng cây mắc-ca. Cây mắc-ca đem lại thu nhập và giá trị cao cho người dân. Bình quân mỗi héc-ta trồng mắc-ca trên địa bàn huyện đem lại doanh thu khoảng 250 triệu đồng.

Xây dựng vùng trồng mắc-ca giá trị cao

Có mặt tại vùng trồng cây mắc-ca của CTCP Macca Nutrition Việt Nam ở huyện Thạch Thành, chúng tôi thấy bạt ngàn những cây mắc-ca được chăm sóc xanh tốt. Dưới tán lá của cây mắc-ca đã 5-6 năm tuổi, những “công nhân nông nghiệp” cần mẫn làm cỏ, tưới nước. Đã hai năm làm công việc chăm sóc cây mắc-ca tại CTCP Macca Nutrition Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trúc (thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành) chia sẻ: “Trồng cây mắc-ca không khó nhưng đòi hỏi người nông dân phải chăm chỉ, tỉ mỉ, thực hiện đúng quy trình chăm sóc. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập ổn định so với làm thời vụ bên ngoài. Hiện, trung bình hằng tháng tôi thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Kinh tế gia đình khấm khá, bảo đảm hơn. Công ty cũng thường xuyên quan tâm tới chế độ, đời sống người lao động”.

Đã đầu tư trồng hơn 90ha cây mắc-ca trên địa bàn huyện Thạch Thành, ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Vùng nguyên liệu CTCP Macca Nutrition Việt Nam cho biết: “Qua nghiên cứu, vùng núi huyện Thạch Thành có thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây mắc-ca. Trước đây, vùng đất trồng trên địa bàn chưa đạt hiệu quả cao, người dân vẫn giữ tập quán canh tác cũ, quá trình trồng chưa theo quy trình, tổ chức. Công ty đã đầu tư để tạo vùng trồng mắc-ca bền vững trên địa bàn huyện. Hiện tại, công ty đã trồng 300-310 cây mắc-ca/ha, mỗi lần thu hoạch đạt khoảng 6-7kg hạt mắc-ca/cây”.

Đánh giá về hiệu quả trồng cây mắc-ca của CTCP Macca Nutrition Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, với 6-7kg hạt mắc-ca/cây là kết quả tốt, nhất là trong điều kiện nắng hạn kéo dài của mùa hè năm 2020. Mô hình trồng mắc-ca của công ty đã khép kín từ khâu chọn giống, trồng trọt, chăm sóc và thu hái, chế biến, cho ra sản phẩm cuối cùng. Đây là mô hình cần được khuyến khích phát triển ở các vùng trên cả nước, tăng thu nhập cho người nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Thành Đỗ Thị Phiến: Huyện rất ủng hộ và thu hút doanh nghiệp về đầu tư phát triển cây mắc-ca, qua đó, giúp người dân tổ chức sản xuất, tạo đầu ra cho các sản phẩm mắc-ca trên địa bàn. Huyện cũng sẽ dành một phần quỹ đất hợp lý để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm từ hạt mắc-ca trên địa bàn; đồng thời, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mắc-ca để trở thành vùng nguyên liệu cho nhà máy. Từ đó, tạo ra vùng trồng mắc-ca lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.   Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ

Ban quản trị Website HH