Trang chủ >> Tin tức ngành

Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ: Nâng tầm TH, tăng sức cạnh tranh

Kế hoạch số 5024/KH-UBND về phát triển chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định mục tiêu tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững, từ đó ứng dụng khoa học công nghệ để mang lại giá trị kinh tế cao. Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có Đề án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) chè Phú Thọ” với mục tiêu nâng cao vị thế cây chè Đất Tổ trên thị trường trong và ngoài nước.

Thành viên HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen thu hoạch chè tươi.

Giá trị chưa tương xứng với tiềm năng

Phú Thọ được mệnh danh là xứ sở “rừng cọ, đồi chè” với thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cho cây chè phát triển. Diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt 16,5 nghìn ha, năng suất chè tươi đạt 10,1 tấn/ha. Sản lượng búp chè tươi đạt 153,7 nghìn tấn/năm. Phú Thọ trở thành tỉnh đứng thứ tư cả nước về diện tích trồng chè và thứ ba về sản lượng chè. Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm chè Phú Thọ xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 25,8 triệu USD. 

Tuy nhiên còn một thực tế là tiềm năng phát triển cây chè rất lớn những giá trị thì chưa cao. Trên 80% cơ sở chế biến chỉ xuất bán thành phẩm, sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô, không có bao bì, nhãn mác nên giá bán thấp; 60% cơ sở chế biến không có vùng nguyên liệu hoặc nếu có thì không đủ sản xuất; 45% cơ sở chế biến có thiết bị, công nghệ lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, ý thức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến chè về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ chỉ mới được triển khai ở những công ty có vùng nguyên liệu. Những hợp tác xã và hộ nông dân trồng chè vẫn đang loay hoay trong quá trình “định vị” chỗ đứng cho sản phẩm.

Không chỉ vậy, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh mới có 3 nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Chùa Tà” (xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh), “Chè xanh Yên Kỳ” (xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa) và “Chè xanh Long Cốc” (xã Long Cốc, huyện Tân Sơn). Với số lượng 59 cơ sở chế biến đạt công suất 1 tấn búp chè tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 25 hợp tác xã sản xuất thì con số được cấp nhãn hiệu tập thể là rất ít ỏi.

Để giải quyết vấn đề trên, tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể, trong đó việc triển khai Đề án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ” được hy vọng sẽ giúp cây chè Đất Tổ thăng hạng trên bản đồ chè Việt Nam cả về sản lượng và chất lượng.

NHCN chè Phú Thọ sẽ được cấp cho cá nhân, doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí khắt khe về nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và chất lượng thành phẩm. Đồng thời, NHCN cung cấp cơ sở hợp tác có lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm chè Phú Thọ trên thị trường. Người tiêu dùng sẽ được chỉ dẫn rằng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Có thể nói, NHCN đóng vai trò là “chìa khóa” mở cánh tiếp cận thị trường cho người sản xuất, từ đó mở rộng quy mô ngành chè cho địa phương.

 

img92431-1597622313
Bộ phận kỹ thuật của Công ty chè Phú Đa (thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) kiểm tra chất lượng chè xanh.


Lời giải cho bài toán thương hiệu

Là một hộ sản xuất và chế biến chè lâu năm nhưng trước khi được gia nhập Hợp tác xã (HTX), bà Nguyễn Thị Nhung (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) vẫn chỉ bán chè thô theo cân với giá từ 15.000 - 30.000 đồng. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc chè, đến nay, chè của gia đình được xuất bán với giá trung bình 100.000 - 150.000 đồng/kg chè thành phẩm. Bà Nhung phấn khởi cho biết: “Trước đây, chúng tôi cứ “mạnh ai nấy làm” nên giá bán rất thấp. Bây giờ, bà con làm theo hướng dẫn của HTX chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nên giá bán đã cao hơn trước, đầu ra và thu nhập đã ổn định hơn”.

Được thành lập từ năm 2017 với 10 thành viên, HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) đang từng bước khẳng định và nâng cao vị thế trên thị trường. Dù mới thành lập được hai năm nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành chức năng và sự nỗ lực của các thành viên HTX, năm 2019 là năm bội thu khi sản lượng chè xuất khẩu đạt 1.200 tấn, chè nội tiêu đạt 5 tấn với doanh thu gần 40 tỷ đồng. Để đạt được thành tựu trên, sự thay đổi trong tư duy người trồng chè đóng vai trò then chốt. Anh Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP do Hội nông dân các cấp tổ chức và tham quan các mô hình trồng chè lớn ở Thái Nguyên. Bà con ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, nhằm củng cố chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm của mình trên thị trường”. 

Trong khuôn khổ chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, tạo lập, quản lý và phát triển NHCN chè Phú Thọ sẽ giúp hình thành nên vùng chè đặc trưng, phân biệt chè Đất Tổ với các thương hiệu nổi tiếng khác như Thái Nguyên, Mộc Châu... Từ đó, Phú Thọ sẽ có thêm thương hiệu lớn mạnh, một sản phẩm mang giá trị kinh tế nằm trong chuỗi các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn tạo nên giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.

Để được cấp NHCN, cá nhân hay doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè phải tuân thủ quy trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Điều này sẽ giải quyết căn bản tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tồn dư hóa chất trong sản phẩm và nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp hàng hóa, liên kết sản xuất cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Ông Vũ Xuân Khiêm - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh cho biết: “Xây dựng thành công NHCN chè Phú Thọ sẽ mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho sản phẩm chè Phú Thọ trên thị trường, tăng giá trị và uy tín cho sản phẩm; tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. 

Tuy số lượng những đơn vị sản xuất và chế biến chè đủ tiêu chuẩn công nhận NHCN còn rất hạn chế nhưng với quyết tâm cao và sự vào cuộc của các đơn vị, tổ chức liên quan, người trồng chè hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mang thương hiệu chè Phú Thọ vươn xa trên thị trường trong nước và Quốc tế. 
Theo PTDT

Ban quản trị Website HH

Tin bài khác

video

Sản phẩm dịch vụ

Xem thêm

Giải pháp tiết kiệm điện tự dùng và XD trạm Điện Mặt Trời áp mái

hà máy Nhiệt điện Vũng Áng là nhà máy nhiệt điện chạy than, do PVP đầu tư xây dựng và quản lý vận hành. Nhà máy có công

Sản phẩm SACHI - Trung tâm thuộc Hiệp hội

Không phải ngẫu nhiên Nam Mỹ được xem là cái nôi của những người mẫu, hoa hậu của thế giới mà danh hiệu này một phần nhờ

Maccaca - Hội viên Pháp nhân Chính thức của VICSAFA

Chứng nhận Hội viên chính thức của VICSAFA       CÁC CHỨNG NHẬN AN TOÀN THỰC PHẨM, ĐẠT TIÊU CHUẨN QUỐC G

Trồng dược liệu, một hướng đi mới của người dân Gia Lai

Thống kê vào năm 2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cả nước có khoảng 5.000 loài câ
Banner
Banner
Banner